Nửa Đêm

Là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mao Thuẫn, nửa đêm khắc họa những tranh đấu, mưu mẹo trong giới kĩ nghệ và tài chính trung quốc những năm 30. Mao Thuẫn xây dựng nhiều nhân vật kiểu mẫu của từng hạng người khác nhau tạo ra một bối cảnh sinh động và chân thực.

Mở đầu chuyện là việc gia đình họ Tôn đón cụ cố Ngô từ quê lên Thượng Hải vì ở quê đang không được yên ổn, nông dân đang rậm rịch nổi loạn. Cụ cố Ngô là người cổ hủ không thích sự hào nhoáng phô bày của cuộc sống mới nên vừa tới Thượng Hải là cụ sốc nặng và qua đời. Trong đám tang của cụ có đủ mặt những nhà kinh doanh lớn nhỏ ở Thượng Hải, họ bàn luận về tình hình thế sự ngày nay, họ nói chuyện phiếm vui cười với nhau chứ tuyệt nhiên chẳng có một ai để ý tới người chết đang nằm đó.

Tình thế hiện thời đang rối ren đảo lộn, trong nhà xưởng thì công nhân đình công, ở nông thôn thì giặc phỉ tung hoành, cộng sản hoạt động ngày càng táo tợn, ngoài mặt trận thì quân chính phủ cứ thua liên tiếp mặc dù báo chí ít nhắc tới. Tất cả những điều đó làm cho giá công trái tụt giảm thê thảm. Tình hình kinh doanh của các nhà máy tơ cũng không lấy gì làm sáng sủa lắm, chỉ còn nhà máy của Tôn Phủ là còn đứng vững nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ công nhân đình công. Còn các nơi khác thì hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn vì hết vốn, vì không cạnh tranh được với tơ nhập khẩu từ Nhật.

Ngay trong tang lễ của cụ cố Ngô, Tôn Phủ nhận được hai lời đề nghị, một là của hai ông Bá Thao và Trọng lễ về việc thu mua công trái. Bá Thao là tay sành sỏi và nắm nhiều công trái nhân dịp này muốn trước hết tung công trái ra để giá thật hạ sau đó lại thu mua vào kiếm lời vì có tin chắc chắn rằng quân Tây Bắc sẽ rút lui. Để làm điều này cần sự hợp tác của Tôn Phủ và Trúc Trai tham gia để tung ra thật nhiều công trái đẩy giá xuống thật thấp.

Việc thứ hai là cùng với Cát Nhân và Hòa Phủ thành lập một ngân hàng của các nhà kinh doanh để giúp đỡ lẫn nhau khỏi bị giới tài chính chèn ép nữa. Việc đầu tiên sau khi thành lập là giúp đỡ nhà máy của Chu Thu. Nhưng thật ra đây là mưu của Tôn Phủ nhằm thâu tóm số kén khô đang lưu trong kho của Chu Thu. Chu Thu cũng là tay cáo già chưa chắc đã để Tôn Phủ được dễ dàng như thế.

Sau khi cụ cố Ngô qua đời thì ở Song Kiều quê nhà của Tôn Phủ có loạn, cậu của Tôn Phủ là cố Hải và con trai bị bắt, thằng con là Câu thì trốn thoát được trong lúc hỗn loạn, còn cố Hải bị bắn chết. Câu một mình bỏ cả vợ con chạy lên Thượng Hải ba hoa về việc trốn chạy của mình, nhưng ở đây chẳng ai ưa thích gì hắn.

Đúng như dự đoán của Bá Thao và Tôn Phủ, sau khi quân chính phủ thắng trận, giá công trái lại tăng lên, lúc này Bá Thao và Tôn Phủ được hưởng lợi nhiều nhất. Cuộc đình công ở nhà máy của Tôn Phủ cũng nhờ tên Nhạc mà giải quyết được ổn thỏa, xem như mọi chuyện đều suôn sẻ cả. Tuy nhiên còn một mối lo mơ hồ đối với Tôn Phủ là Bá Thao đang có âm mưu gì đó nhằm đánh đổ Tôn Phủ.

Việc giá công trái lên xuống lần này đã làm Vân Khanh sạt nghiệp. Vân Khanh vốn là địa chủ ở quê lên Thượng Hải lánh nạn, sẵn tiền nên theo buôn công trái. Lần này cùng với Thuận Am và Tráng Phi dính một vố đau, Vân Khanh thấy sợ cái trò công trái này lắm rồi. Lúc này Thuận Am đến hiến kế dùng mỹ nhân để lấy thông tin từ Bá Thao, Vân Khanh phân vân lắm vì mỹ nhân ở đây chính là Vân Mi con gái mình. Ông ta không nỡ. Lúc sau Tráng Phi đến cũng bàn chuyện công trái nhưng lại đưa ra ý khác rằng mình có người quen ở Sở giao dịch tên Lục Thời, hắn là người giao dịch của Bá Thao, chỉ cần chia phần cho hắn là Bá Thao làm gì Lục Thời sẽ nói ra. Cách này chắc chắn thành công. Nhưng qua vụ vừa rồi Vân Khanh cạn hết cả vốn, giờ tiền lo lễ tết Đoan Ngọ còn chưa xoay được. Chỉ còn cách cầm số ruộng đất ở quê để làm vốn mà tiếp tục đi buôn công trái.

Tôn Phủ thành lập được công ty tài chính Ích Trung, công ty này lien tiếp thâu tóm được tám nhà máy nhỏ, trong đích ngắm của nó còn có cả xưởng của Chu Thu. Nhưng vì việc này mà Bá Thao và Tôn Phủ xảy ra bất hòa. Tôn Phủ cần chỗ kén khô của Chu Thu, nếu không có nó thì mọi chuyện sẽ phải đình trệ lại, nhưng đó lại là điều mà Bá Thao muốn. Chính vì vậy ông ta có ý định cho Chu Thu vay tiền để trả khoản nợ 15 vạn với Tôn Phủ.

Trong khi ấy tình hình thế sự liên tục thay đổi, cuộc nội chiến nổ ra ngày càng phức tạp, quân cộng sản ngày càng lớn mạnh và hoạt động ở khắp mọi nơi, ngay cả Thượng Hải cũng có tổ chức cộng sản len lỏi vào các nhà máy, các khu dân nghèo. Bành Đức Hoài của cộng sản đã chiếm được cả Nhạc Châu. Tình hình như vậy nên giá công trái liên tục biến động thất thường không thể nào lường trước được.

Sau khi Tôn Phủ mua được một số kén khô ở nơi khác, Bá Thao bèn nhả số kén của Chu Thu ra nhằm gây khó cho Tôn Phủ. Lúc này Tôn Phủ thâu tóm cả công ty của Chu Thu và tám công ty khác với kế hoạch mở rộng sản xuất nhưng đồng thời cũng dồn tiền vào buôn công trái. Một lúc đánh liền hai mặt trận mà đều như trên thế cưỡi hổ không thể xuống được.

Trong lúc khó khăn ấy thì Bá Trai lại rút vốn khỏi công ty Ích Trung gây thêm nhiều bất lợi cho Tôn Phủ.

Bá Thao tìm mọi cách nhằm làm cho Tôn Phủ phá sản, nhưng Tôn Phủ cũng rất tự tin vào bản lĩnh của mình. Lần buôn công trái này Tôn Phủ đầu tư đến 10 triệu công trái. Tình hình chiến sự khá là rối ren, thông tin rất mập mờ nên thị trường lên xuống liên tục. Bá Thao định dịp này bán ra một lượng lớn công trái đẩy giá xuống thấp để hạ Tôn Phủ. Nhưng Tôn Phủ nhờ có nguồn tin mật ngoài mặt trận nên đã ra tay trước một bước bán bớt số công trái của mình đi.

Vân Khanh cùng với Thận Am và Tráng Phi lại hợp tác cùng nhau buôn công trái. Vân Khanh thuyết phục con gái là Vân Mi tiếp cận Bá Thao để tìm hiểu thông tin mua bán công trái của ông ta, Vân Mi đã tiếp cận được Bá Thao nhưng lại quên mất việc quan trọng ấy nên đến khi Vân Khanh hỏi thì cô chỉ ậm ờ nói bừa rằng Bá Thao mua vào trong khi thực tế là Bá Thao đang định bán ra. Vân Khanh tin lời con gái nên quyết tâm làm riêng một ván lớn.

Cùng với tình hình chiến sự ngày càng kéo dài, những nhà máy sản xuất cũng bắt đầu bị đình trệ vì làm ra mà không thể bán được. Nhiều nơi phải đóng cửa, nhiều nơi chỉ hoạt động cầm chừng, giảm lương giảm thưởng làm cho tầng lớp công nhân phẫn nộ. Tám nhà máy của Tôn Phủ cũng đều trong tình trạng như vậy.

Một cuộc tổng bãi công của công nhân nghành tơ khắp Thượng Hải được cộng sản đứng sau chuẩn bị nổ ra. Tôn Phủ rất lo lắng và tức giận, ông cho Nhạc toàn quyền xử lý nhưng vẫn không yên tâm.

Nhạc dồn hết tâm sức vào việc dẹp yên cuộc biểu tình lần này, từ việc cài người vào công nhân rồi khuyên giải thuyết phục, theo dõi, cuối cùng phải dùng đến vũ lực. Vừa phải đối phó với công nhân vừa phải đối phó với bọn Bảo Sơn đối nghịch làm Nhạc toát mồ hôi hột.

Cùng một lúc phải đối phó với sự bao vây kinh tế của Bá Thao, lại bị hai mặt công trái và nhà máy đều ép vào làm tinh thần Tôn Phủ trở nên suy sụp đến mức không còn đủ sáng suốt để suy nghĩ nữa.

Lúc đó Quân Nghị, ông chủ xưởng diêm cũng lao đao muốn tìm cách bán hoặc cho thuê xưởng nhưng Tôn Phủ không còn sức mà nhận thêm nữa, muốn bản cho Bá Thao cũng không được nên đành phải bán cho người Nhật.

Đúng lúc khó khăn đó thì Bá Thao muốn cho Tôn Phủ vay tiền để duy trì 8 nhà nhà máy với điều kiện dùng chính 8 nhà máy đó làm vật thế chấp. Tôn Phủ chợt nghĩ cái thong lòng trước đây ông tròng vào cổ Chu Thu thì nay Bá Thao lại tròng vào cổ ông. Tôn Phủ bàn chuyện này với Hòa Phủ và Cát Nhân, không ngờ từ đó lại mở ra một con đường mới khiến cả ba bỗng trở nên vui vẻ tự tin hơn rất nhiều. Họ quyết định bán đi tám xưởng này có thể thu về được 60 vạn rồi tập trung vào việc buôn công trái. Nhưng không bán cho Bá Thao mà tìm một người khác.

Dùng tất cả tài lực dồn vào chơi công trái khiến cả ba người tỏ ra rất lạc quan bước vào trận chiến cuối cùng với Bá Thao. Tôn Phủ còn cố lôi kéo cả Trúc Trai vào để them sức mạnh nhằm hạ gục Bá Thao, nhưng Trúc Trai là người nhát gan khó mà tin tưởng được. Tôn Phủ đã suy sụp tinh thần nhiều nên không còn đủ sáng suốt trong quyết định này, cuối cùng người làm cho Tôn Phủ sạt nghiệp không phải Bá Thao mà chính là người anh rể Trúc Trai.

Lần ấy coi như là trận đánh lớn được ăn cả ngã về không của nhóm Tôn Phủ, khi sắp tới kì thanh khoản, họ tung hết công trái ra với sự tự tin rằng sẽ đẩy giá công trái xuống thấp làm những kẻ ôm nhiều như Bá Thao phải chịu lỗ nặng. Lúc đầu giá công trái hạ nhanh chóng làm Tôn Phủ rất vui mừng, mừng đến mức ngất ngay tại sở giao dịch khiến Hòa Phủ và Cát Nhân phải đưa ông ra xe về nhà nghỉ ngơi. Nhưng Tôn Phủ chẳng nghỉ được tí nào cả, đầu óc ông lúc nào cũng đang nghĩ về trận chiến đang hồi gay go ở sở giao dịch.

Đúng lúc giá công trái đang hạ thì có người vơ vào với số lượng lớn làm nó lại tăng lên, đó là Trúc Trai. Vốn Tôn Phủ muốn Trúc Trai cùng bán công trái ra để hạ Bá Thao, không ngờ ông anh rể này thấy lợi liền quên hết mọi thứ.

Chịu vố đau này coi như Tôn Phủ mất tất cả, nhà cửa và xưởng máy đều bán hoặc cầm cố hết cả rồi. Tôn Phủ suy sụp gọi điện cho Nhạc đóng cửa nhà máy và Tôn Phủ quyết định đi tới một nơi thật xa để trốn tránh mọi chuyện.

Câu chuyện trong tác phẩm này chỉ kéo dài hai tháng ngắn ngủi nhưng Mao Thuẫn đã giúp người đọc hình dung được phần nào xã hội Trung Quốc trong cơn rối ren hỗn loạn và tăm tối vào đầu những năm 1930. Đó là đời sống và cuộc tranh đấu, thủ đoạn và mưu mẹo của giới thượng lưu, là cuộc sống khốn cùng của những công nhân, là sự biến đổi của thời thế nhanh chóng không lường trước được cùng cuộc nổi chiến và sự nổi lên của cộng sản.

Trần Huệ Lương

 

Bình luận về bài viết này