Thiên Táng

thientangHân Nhiên với ngòi bút mộc mạc của mình đã kể lại một câu chuyện cảm động đến khó tin. Câu chuyện về Thư Văn và hành trình tìm kiếm người chồng được cho là đã hi sinh của cô. Hơn ba mươi năm lưu lạc trên manh đất Tây Tạng mênh mông để cuối cùng tìm được cuốn nhật kí mà Khả Quân, chồng của cô đã để lại. Cuốn nhật kí đã hé mở mọi điều ẩn giấu mà bấy lâu nay Thư Văn cố công tìm kiếm.

Hành trình của Thư Văn là hành trình của tình yêu vô cùng sâu đậm, cũng là hành trình khám phá văn hóa, phong tục và con người của vùng đất Tây Tạng. Có ai đó nói “xa cách trong tình yêu giống như lửa trong gió, gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và làm cháy bùng lên ngọn lửa lớn”. Tình yêu của Thư Văn là ngọn lửa lớn ấy, nó cháy mãi trong cô suốt ba mươi năm kiên trì đến cùng trong hành trình của mình.

Thư Văn bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình khi được thông báo người chồng mới cưới của mình đã hi sinh ở Tây Tạng. Cô không thể tin được điều đó, tình yêu sâu đậm của mình khiến cô dấn bước vào hành trình mà chỉ mình cô tin tưởng. Hành trình khó khăn hơn nhiều so với những gì Thư Văn đã nghĩ. Cô tiến vào Tây Tạng cùng một đơn vị quân đội và tất nhiên họ không được sự chào đón của người dân nơi đây, họ bị đánh tỉa, bị quấy nhiễu khiến ai cũng mệt mỏi sợ hãi. Nhưng cũng trong những ngày ấy Thư Văn đã gặp được Trác Mã, người con gái Tây Tạng ấy cũng có một tình yêu đẹp và dầy chông gai với Thiên An Môn, người chăn ngựa của gia đình. Họ bỏ lại sau lưng tất cả gia đình cùng phong tục để chạy trốn cùng nhau, nhưng cuối cùng lại lạc nhau trong một cơn bão tuyết. Lúc này Thư Văn đã tìm thấy Trác Mã trong tình trạng gần như kiệt sức. Trác Mã đi cùng họ và chính cô cùng với thân phận con gái của một tộc trưởng người Tạng đã cứu nhóm quân đội TQ đi cùng Thư Văn thoát khỏi cảnh bị săn đuổi với điều kiện họ phải quay lại TQ. Thư Văn không trở về, cô đi cùng Trác Mã, hai người cùng cùng đi tìm người tình của mình trên vùng thảo nguyên bao la tưởng như vô tận.

Thư Văn cùng Trác Mã đi cùng đoàn người Tây Tạng cho đến khi họ không thể theo kịp vì bóng tối và gió thổi mạnh. Họ cũng suýt bị rơi xuống vực nếu con ngựa không hất hai người khỏi lưng nó. Trác Mã và Thư Văn ngồi ôm nhau trong bóng đêm và sợ hãi.

Cho đến khi tỉnh lại, Thư Văn thấy mình đang ở trong một căn lều của một gia đình Tây Tạng. Thư Văn sẽ gắn bó cuộc đời mình với gia đình này trong hàng chục năm tiếp theo. Sống theo lối sống và văn hóa của người Tạng, di cư cùng họ đi khắp thảo nguyên với hi vọng tìm được chút tin tức của Khả Quân.

Sống cùng với gia đình này Thư Văn đã dần hiểu những phong tục mà trước đây cô không thể nào hiểu được, cô đã giận dữ khi nghĩ rằng vợ của Gela, một người tốt bụng tuyệt vời ấy lại dan díu với Ge’er em trai của Gela. Nhưng sau đó cô biết rằng hai anh em này có chung một người vợ, tám đứa con là con chung của cả hai anh em, không có sự phân biệt nào cả. Và trên vùng thảo nguyên bao la này thì chuyện đó hoàn toàn là bình thường.

Không tìm được tung tích của Khả Quân, nhưng Thư Văn có được tình cảm chân thành của gia đình Gela cùng Mã Trác. Cho đến một ngày Trác Mã bị bắt đi, mọi liên hệ với thế giới của Thư Văn dường như bị cắt đứt. Thật khó có thể tưởng tượng được sự cô đơn và tuyệt vọng của Thư Văn trong những tháng ngày này. Cô dường như rơi vào một thế giới câm lặng khi mọi giao tiếp đều được thực hiện bằng những cử chỉ và vài câu giao tiếp cơ bản mà Trác Mã đã cố công dạy cho cô.

Nhưng Thư Văn đã vượt qua tất cả với một hy vọng không bao giờ lụi tàn rằng một ngày nào đó sẽ tìm được Khả Quân. Gia đình Gela đối xử với cô như một thành viên của gia đình, thư văn cũng dần dần nói được và hiểu phong tục cũng như cuộc sống của những người dân nơi đây. Cô đã dần biến thành một người Tây Tạng thực thụ.

Không biết bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, Thư Văn dần mất cảm giác về thời gian, gia đình Gela đi đâu thì cô đi đó, đồng cỏ nào cũng giống đồng cỏ nào. Khi rảnh cô viết tâm sự của mình vào cuốn mà cô đã mang theo khi đến đây. Hi vọng ngày nào đó Khả Quân có thể đọc được nó.

Suốt những năm Thư Văn ở cùng với gia đình Gela, cô vẫn bám lấy niềm tin rằng một ngày nào đó sẽ được tái hợp với Khả Quân. Mặc dù theo nhiều cách Thư Văn đã tiếp thu lối sống của đạo Phật và, cũng đã chấp nhận số phận mình, nhưng một phần trong bà không bao giờ chịu từ bỏ cuộc tìm kiếm.

Cuối cùng khi gia đình Gela đã lên kế hoạch tách nhau ra để giúp đỡ Thư Văn tìm kiếm Khả Quân. Thư Văn đã rất cảm động vì điều này. Ge’er bà Bát sẽ đi cùng với cô.

Khi Thư Văn sống cùng gia đình Gela thì Hồng khoảng 9 tuổi, khi cô ra đi thì Hồng đã trở thành một người lớn.

Đầu tiên họ tìm những thợ đẽo đá từng tạc những hòn đá mani trên các ngọn núi thiêng, họ là những người gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người nhất. Nhưng suốt vài tháng cuộc tìm kiếm không đạt được kết quả nào

Không tìm được ting tích của Khả Quân nhưng họ lại tìm được manh mối của Trác Mã. Văn quyết định đi theo manh mối ấy để tìm Trác Mã trước. Họ đi mãi tới khi lương thực cạn thì thấy một túp lều Tây Tạng. Ba người được đón tiếp nồng nhiệt. Khi ra đi họ mang theo Zawang, anh đang muốn tới tu viện nổi tiếng Wendugongba để gặp anh trai mình.

Một điều bất ngờ lớn với Thư Văn là tại tu viện này họ đã gặp Thiên An Môn. Khi nghe Thư Văn kể về người mình đang đi tìm, Thiên An Môn đã nhận ra đó là Trác Mã. Anh quyết định rời khỏi tu viện một thời gian để đi cùng Thư Văn tìm Trác Mã.

Họ quyết định đi tìm trên mười ba ngọn núi thiêng. Đó là nơi người Tây Tạng để lại thông điệp của mình. Họ hi vọng những ai biết về Zhuoma sẽ tìm thấy chúng và cũng hi vọng tìm được thông điệp của Trác Mã.

Zawang quyết định đi cùng cả đoàn vò anh và Bát không thể rời xa nhau nữa.

Không ai có thể biết bao nhiêu thời gian đã qua trong chuyến hành trình xung quanh các ngọn núi thiêng ở Thanh Hải, Thư Văn không còn biết đếm ngày đếm tuần nữa. Nhóm người nho nhỏ của bà cứ nhọc nhằn tiến lên phía trước, quyết tâm tìm bằng được Trác Mã.

Trong cuộc hành trình này Zawang và Bát đã lấy nhau dưới sự đồng ý của Ge’er. Khi tới ngọn núi thứ năm, Bát sinh hạ một bé gái, đặt tên là Zhuoma. Mọi người nhất trí rằng Ge’er sẽ đi cùng Bát với Zawang tới một chỗ nào đó nơi hai vợ chồng có thể xây dựng cuộc sống. Sau đó chính Ge’er sẽ trở về với Gela và Saierbao vì ông đã xa gia đình quá lâu.

Thư Văn cùng Thiên An Môn tiếp tục cuộc hành trình, tới ngọn núi thứ chín nơi họ tìm ra thông điệp của Zhuoma. Trên một hòn đá có ghi một câu giản dị: “Zhuoma đang tìm Thiên An Môn. Bà ấy đợi ông ở ngọn núi kế cận, gần chỗ lều thợ đẽo đá”. Không thể tưởng tượng được cảm giác của Thiên An Môn và Thư Văn vào lúc đó. Họ phóng ngựa như bay tới ngọn núi kế tiếp. Mất nhiều ngày họ tới được chân núi, họ thấy ở đằng xa túp lều của thợ đẽo đá, bên trong có dáng người một phụ nữ trông như tượng. Khi ngựa của họ phóng ầm ầm về phía người đó, bà ta quay lại. Ấy là Trác Mã. Người Tây Tạng luôn luôn tìm lại được ở các ngọn núi thiêng những gì mình đã đánh mất. Ba người họ đã tìm thấy nhau, im lặng và đầy cảm xúc dồn nén bao nhiêu năm. Thật khó nói thành lời. Không ai biết được Trác Mã đã sống như thế nào suốt bao nhiêu năm qua. Có thể cô bị bắt cóc để trở thành vợ của một người du mục nào đó, Trác Mã không bao giờ nói về quãng đời ấy của mình.

Thư Văn, Zhuoma và Thiên An Môn tiếp tục đi về phía Nam để tìm tung tích Khả Quân. Đến mùa hè khi họ đến được vùng được gọi là “Bách Hồ” và nhìn thấy hồ Zhaling rộng mênh mông, trải dài như biển cả bên dưới núi Anyemaqen. Tại đây họ nghe được giọng hát của lão ẩn sĩ Cường Ba vang vọng khắp mặt hồ. Không ai biết lão từ đâu tới, người ta chỉ biết đã rất nhiều năm lão ngồi hát bên bờ hồ này.

Lão hát một phần của đại truyền thuyết của Vua Gesar, lão cũng hát về một người lính Trung Quốc đã được táng theo hình thức thiên táng của người Tạng và vì thế hóa giải cuộc chiến với người Tây Tạng.

Lễ Hoạt Phật ở Wendugongba thu hút hàng ngàn người trên thảo nguyên cũng được diễn tại bờ hồ vào ngày mai. Thư Văn hi vọng có thể tìm được chút tin tức gì của Khả Quân.

Tại bờ hồ này, khi cứu được một ca khó đẻ, Thư Văn lần đầu tiên nghe được một tin tức về Khả Quân, một người bác sĩ tốt. Đó chính là bác sĩ người Trung Quốc được Thiên táng, do vậy mà giao tranh giữa người Trung Quốc với người Tây Tạng ở vùng này chấm dứt. Câu chuyện này Lão ẩn sĩ Cường Ba là người biết rõ nhất.

Ba người họ đi tìm Cường Ba, nhưng không biết ông lão đã đi đâu mất rồi. Đúng lúc tuyệt vọng thì có một người tới và đưa họ đến gặp Cường Ba. Ông già bị ốm và đã yếu lắm rồi, người ta đưa ông vào tu viện, nơi mà phụ nữ không được phép bước vào. Văn đành để Thiên An Môn vào gặp ẩn ĩ Cường Ba còn mình và Trác Mã đợi ở ngoài. Nhiều ngày sau Thiên An Môn trở lại mang theo hai cuốn sổ mà Khả Quân đã nhờ Cường Ba giao cho một người phụ nữ Tô Châu tên là Thư Văn. Một cuốn là ghi chép y khoa còn cuốn kia là nhật ký. Thật khó có thể tưởng tượng được cảm xúc của Thư Văn vào lúc này.

Cuối cùng điều cô tìm kiếm bao nhiêu năm cũng có kết quả, dù là kết quả không mong muốn thì Thư Văn cũng đã biết được số phận của Khả Quân những ngày ở Tây Tạng.

Những người lính Trung Quốc không hề được chào đón như những gì người ta nói. Họ gặp sự kháng cự của người Tây Tạng ở khắp mọi nơi. Khả Quân cùng những người lính đi cùng anh cũng bắt đầu chống trả cho tới một ngày anh gặp một cảnh tượng kinh hoàng. Một đàn kền kền đang ăn xác những người chết còn đẫm máu. Trong đống xác ấy Khả Quân thấy một người còn sống và anh đã nổ súng bắn vào lũ kền kền để cứu người kia. Khả Quân không hề biết mình đã phá vỡ nghi lễ thiên táng thiêng liêng của người Tây Tạng. Người được Khả Quân cứu hôm đó chính là ẩn sĩ Cường Ba.

Đoàn lính Trung Quốc cùng Khả Quân trở thành đối tượng cho sự nguyền rủa và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Cuối cùng để hóa giải được mọi chuyện, Khả Quân đã tình nguyện chết và táng theo cách của người Tạng. Cường Ba là người đi theo Khả Quân đến chỗ thủ lĩnh người Tạng, cũng là người nhận sự giao phó của Khả Quân đối với cuốn nhật ký của mình.

Cái chết của Khả Quân đã khiến người Tây Tạng kính trọng những người lính Trung Quốc, họ có thể tiến sâu vào đất Tạng mà không gặp phải sự thì địch nào nữa.

Cuối cùng hành trình của Thư Văn đã kết thúc sau mấy chục năm kiên trì tìm kiếm, giờ là lúc phải trở về. Với sự giúp đỡ của Thiên An Môn và vị chỉ huy quân đội Trung Quốc ở Tây Tạng, cuối cùng Thư Văn đã về được quê nhà Tô Châu. Nhưng hơn ba mươi năm đã qua đi, cảnh vật và con người đã khác xa, dấu tích xưa cũ không còn lại chút nào nữa. Quê hương đã thay đổi, gia đình đã không còn. Thư Văn đứng giữa quê cũ mà thấy xa lạ vô cùng.

Đây chính là lúc Thư Văn gặp Hân Nhiên và kể lại cuộc đời của mình.

Còn bây giờ, Thư Văn gần như đã biến thành một người Tây Tạng thực sự. Liệu Thư Văn có đủ thời gian và kiên trì để tiếp tục một cuộc tìm kiếm mới. Tìm lại gia đình và quê hương của mình.

9.10.2018
Trần Huệ Lương

Bình luận về bài viết này